Danh sách hàng hóa cấm nhập khẩu vào Việt Nam
Bạn muốn vận chuyển hàng từ nước ngoài về Việt Nam nhưng không biết đây có phải là mặt hàng cấm nhập khẩu hay không? Hãy để bài viết dưới đây liệt kê rõ danh sách hàng hóa cấm nhập khẩu vào Việt Nam cùng với lý do và một số ví dụ minh họa.
Cấm nhập khẩu là gì?
Theo định nghĩa, cấm nhập khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định không được đưa hàng hóa từ khu vực hải quan riêng vào nội địa hoặc từ nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam. Việc cấm nhập khẩu với một số hàng hóa nhằm tránh các nguy cơ có thể xảy ra như:
- Ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh đất nước.
- Gây nguy hại đến sức khỏe, an toàn của người tiêu dùng.
- Gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục.
- Nguy hại đến môi trường, đa dạng sinh học. Có nguy cơ mang theo sinh vật gây hại, đe dọa an ninh lương thực, nền sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Hàng hóa cấm nhập khẩu vào Việt Nam là gì
Cụ thể hơn, xin mời tìm hiểu về danh mục hàng cấm nhập khẩu trích quy định tại Phụ lục I Nghị định số 69/2018/NĐ-CP bên dưới đây.
Danh sách hàng hóa cấm nhập khẩu vào Việt Nam
Vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ (trừ vật liệu nổ công nghiệp), trang thiết bị kỹ thuật quân sự
Việc sở hữu, sử dụng, nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, tập huấn,… các trang thiết bị kỹ thuật quân sự đối với người không có thẩm quyền là hoàn toàn bị nghiêm cấm tại Việt Nam. Do đó ngoại trừ quân đội và các tổ chức nhà nước được cấp phép thì bất cứ ai cũng không được nhập khẩu loại hàng cấm nhập khẩu này.
Pháo, đèn trời, các loại thiết bị gây nhiễu máy đo tốc độ phương tiện giao thông
Cụ thể, từ năm 1994 vào dịp Tết Nguyên Đán, đã có 728 vụ tai nạn do pháo gây ra, làm chết 71 người, làm bị thương 765 người và tiêu tốn hàng chục tỷ đồng. Cùng với đốt pháo, việc thả đèn trời cũng là một hoạt động khi xưa của nhân dân. Tuy nhiên sau một thời gian đèn cháy trên không trung đèn rơi những tàn lửa sẽ bén vào các công trình bằng gỗ dẫn đến hỏa hoạn, hay rơi vào dây điện ảnh hưởng đến hệ thống ánh sáng thành phố, nguy hiểm hơn là các khu vực cây xăng. Do đó chính phủ ban hành luật cấm sản xuất, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo từ nước ngoài và hoạt động thả đèn trời. Tương tự việc mang các thiết bị gây nhiễu sang nước ngoài sẽ gây ảnh hưởng đến phương tiện vận chuyển, có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông nguy hiểm đến tính mạng.
Các hóa chất cấm
Bao gồm các hóa chất độc và hóa chất cấm như các hợp chất O-Alkyl, các chất khí chứa lưu huỳnh, các hợp chất Lewisite, hơi cay Nito, Saxitoxin, Nicin,… Và các tiền chất như Alkyl phosphonyl difluoride, O-Alkyl O-2-dialkyl-aminoethyl alkyl phosphonite. (cụ thể xem Bảng 1 và Phụ lục III về danh mục hóa chất cấm xuất nhập khẩu được quy định trong Nghị định của Chính phủ).
Hàng tiêu dùng, thiết bị y tế, phương tiện đã qua sử dụng
Bao gồm các mặt hàng như:
- Hàng dệt may, giày dép, quần áo
- Hàng điện tử
- Hàng điện lạnh
- Hàng điện gia dụng
- Thiết bị y tế
- Hàng trang trí nội thất
- Hàng gia dụng bằng gốm, sành sứ, thủy tinh, kim loại, nhựa, cao su, chất dẻo và các chất liệu khác
- Xe đạp
- Mô tô, xe gắn máy
Các loại sản phẩm văn hóa bị cấm
Quy định cấm nhập khẩu với các sản phẩm văn hóa thuộc diện cấm phổ biến, lưu hành hoặc đã có quyết định đình chỉ phổ biến, lưu hành, thu hồi, tịch thu, tiêu hủy tại Việt Nam. Cụ thể bao gồm: tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật và các sản phẩm nghe nhìn khá (đĩa CD, DVD,…) có nội dung kích động nhân dân chống lại nhà nước, tuyên truyền, kích động bạo lực, chiến tranh xâm lược, truyền bá tư tưởng, văn hóa phản động, lối sống đồi trụy, các hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, gây hại cho sức khoẻ và hủy hoại môi trường sinh thái. Các loại tác phẩm lậu, sản xuất trái phép cũng bị cấm nhập khẩu vào Việt Nam.
Sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng
Bao gồm: máy in sử dụng các bộ phận in như khuôn in, máy tính và các loại máy ghi, tái tạo và hiển thị dữ liệu, máy kế toán, máy đóng dấu bưu điện, máy xử lý dữ liệu tự động, điện thoại, ra đa, các thiết bị dẫn đường bằng sóng vô tuyến và các thiết bị điều khiển từ xa bằng vô tuyến, dây điện, cáp điện,… Ngoài các danh mục trên còn có các sản phẩm liên quan như loa thùng, tai nghe có khung choàng đầu, bộ micro/loa kết hợp, camera truyền hình, camera kỹ thuật số khác, radio cassette loại bỏ túi, các linh kiện liên quan, ổ đĩa mềm, ổ đĩa quang, ổ CD-ROM, ổ DVD và ổ CD có thể ghi được, màn hình LCD, LED và kiểu màn hình dẹt đã qua sử dụng khác cũng sẽ bị cấm nhập khẩu.
Các loại xuất bản phẩm khác bị cấm theo Luật
Bao gồm tem bưu chính thuộc diện cấm kinh doanh, trao đổi, trưng bày, tuyên truyền theo quy định của Luật Bưu chính. Thiết bị vô tuyến điện, thiết bị ứng dụng sóng vô tuyến điện không phù hợp với các quy hoạch tần số vô tuyến điện và quy chuẩn kỹ thuật có liên quan theo quy định của Luật Tần số vô tuyến điện.
Phương tiện vận tải tay lái bên phải, phương tiện bị đục sửa
Việc nhập loại xe có một điểm lợi là giá rẻ hơn, nhưng loại xe này đã gây tai nạn giao thông với tỷ lệ lớn vì không phù hợp với luật đi đường của nước ta. Hơn nữa do tại Việt nam tình trạng giao thông rất đông đúc và mặt đường chật hẹp với nhiều xe thô sơ. Do đó từ năm 1989 nhà nước đã quyết định cấm nhập khẩu loại phương tiện này (kể cả dạng tháo rời và dạng đã được chuyển đổi tay lái trước khi nhập khẩu vào Việt Nam). Một số trường hợp ngoại lệ là xe cần cẩu, máy đào kênh rãnh;,xe quét đường, tưới đường,… Các loại xe có gắn động cơ và bộ linh kiện lắp ráp bị tẩy xóa, đục sửa, đóng lại số khung, số động cơ cũng bị cấm nhập khẩu vào Việt Nam.
Vật tư, phương tiện đã qua sử dụng
Danh mục hàng đã qua sử dụng cấm nhập khẩu bao gồm phụ tùng, máy, khung, săm, lốp, sơ mi rơ moóc, động cơ của ô tô, rơ moóc, xe bốn bánh có gắn động cơ. Khung gầm của ô tô, máy kéo có gắn động cơ (kể cả khung gầm mới có gắn động cơ đã qua sử dụng, khung gầm đã qua sử dụng có gắn động cơ mới). Các loại ô tô đã thay đổi kết cấu để chuyển đổi công năng so với thiết kế ban đầu. Các loại ô tô, rơ moóc, sơ mi rơ moóc (trừ các loại rơ moóc, sơ mi rơ moóc chuyên dùng), xe chở người bốn bánh có gắn động cơ đã qua sử dụng loại quá 5 năm, tính từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu và ô tô cứu thương.
Thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam
Bao gồm các loại thuốc gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người như Carbendazim, Thiophanate Methyl, Benomyl, Paraquat, 2,4D, Acephate, Diazinon, Zinc phosphide, Malathion, Chlorpyrifos ethyl, Fipronil, Glyphosate. Từ năm 2017 nhà nước cũng loại bỏ 1,706 tên thương phẩm thuốc bảo vệ thực vật có chứa các chất gây hại cho sức khỏe.
Mẫu vật động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm
Theo Phụ lục I CITES Quyết định số 11/2013/QĐ-TTg ngày 24 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ. Quy định nêu rõ việc cấm nhập khẩu với mẫu vật động vật hoang dã nguy cấp như mẫu vật tê giác trắng (Ceratotherium simum), mẫu vật tê giác đen (Diceros bicornis), mẫu vật voi Châu Phi (Loxodonta africana) và sản phẩm chế tác từ các loài động vật này.
Các mẫu vật trên chỉ được phép nhập khẩu trong các trường hợp là mẫu vật phục vụ cho ngoại giao, nghiên cứu khoa học, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, trưng bày vườn thú, triển lãm, trao đổi mẫu vật giữa Cơ quan Quản lý CITES các nước thành viên,…
Sản phẩm, vật liệu có chứa amiăng thuộc nhóm amfibole
Đây là chất dùng trong công nghiệp xây dựng thuộc những hàng hóa bị cấm xuất nhập khẩu. Danh mục vật liệu này được ban hành kèm theo thông tư của bộ trưởng Bộ xây dựng. Bao gồm crocidolite (amiăng xanh), amosite (amiăng nâu), anthophyllite, actinolite, tremolite,… Sỡ dĩ bị cấm nhập khẩu là bởi vì amiăng là chất gây ung thư ở người. Do đó khi vận chuyển, nhập khẩu vào Việt Nam, amiăng dễ có cơ hội xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp và gây hại cho con người.
Danh sách hàng hóa cấm nhập khẩu vào Việt Nam
Hình thức xử lý khi mang hàng cấm nhập khẩu vào Việt Nam
Khi nhập khẩu các mặt hàng từ nước ngoài vào Việt Nam thuộc danh mục cấm nêu trên, hàng hóa sẽ bị giữ lại tại hải quan và buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước ta, trường hợp hàng hóa gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại thì cần xử lý tiêu hủy. Nếu có hành vi chống đối pháp luật thì có thể bị xử phạt tùy theo mức độ. Cụ thể, trích tại Mục 2 Chương I Nghị định 127/2013/NĐ-CP, người có hành vi nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt là 15.000.000 đến 30.000.000 đồng. Hếu hành vi nhập khẩu có dấu hiệu cấu thành tội trốn thuế thì cơ quan điều tra sẽ xác minh và có thể khởi tố vụ án.
Xử lý hàng cấm nhập khẩu
Qua bài viết liệt kê danh sách hàng hóa cấm nhập khẩu nêu trên, mong rằng sẽ giúp chúng ta tránh những vi phạm không đáng có trong quá trình nhập khẩu. Nếu có thêm nhu cầu chuyển hàng đi Canada, quan tâm về dịch vụ hàng gửi đi mỹ giá rẻ hay muốn tìm một công ty chuyển hàng đi Úc uy tín. Đừng ngại mà hãy liên hệ những công ty vận chuyển đảm bảo hiện nay như Nhật Tin Quốc Tế, Việt An Express,… để được hỗ trợ!